Lịch sử giải World Cup
Năm nay có tổng cộng 60 golf thủ góp mặt, thi đấu ở sân Royal Melbourne Golf Club ở Australia. |
Các tuyển thủ được lựa chọn cơ bản dựa theo xếp hạng chính thức của thế giới, dù không phải ai cũng là người có thứ hạng cao nhất của quốc gia đó.
Giải đấu được khai sinh bởi doanh nhân người Canada John Jay Hopkins, năm 1953 với tên gọi ban đầu là Canada Cup. 14 năm sau giải đổi tên thành World Cup.
Hồi Fred Corcoran còn làm Giám đốc điều hành giải và nhờ sự hậu thuẫn của Hiệp hội golf quốc tế, World Cup được tổ chức với quy mộ rộng khắp toàn cầu và trở thành một trong những giải đấu có uy tín bậc nhất trong giai đoạn những năm 1960 và 1970. Tuy nhiên, sự quan tâm dành cho giải dần sa sút, đến độ nó không được tổ chức vào các năm 1981 và 1986.
Giải đấu được sáp nhập vào hệ thống World Golf Championships từ năm 2000 đến 2006. Năm 2007 nó không còn là sự kiện của WGC nhưng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Liên đoàn quốc tế các Hiệp hội golf chuyên nghiệp.
Từ năm 2007 đến 2009, giải đấu được tổ chức ở Mission Hills Golf Club tại Trung Quốc, với tên gọi Mission Hills World Cup. Năm 2010 giải không diễn ra vì được chuyển từ thường niên sang hai năm một lần và thi đấu vào năm lẻ để tránh trùng với Thế vận hội 2016 - nơi golf được trở lại như một môn chính thức.
Năm 2011 giải diễn ra ở sân mới - Mission Hills Haikou ở Đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Thể thức
Năm 1953, thể thức được áp dụng là đấu gậy 36 hố và cộng điểm của hai người trong đội tuyển. Từ 1954 đến 1999, các tuyển thủ thi đấu 72 hố. Đến năm 2000 là sự xen kẽ các vòng đấu gậy giữa fourball và foursome.
Bắt đầu từ năm 2013, giải đấu chú trọng vào thành tích cá nhân. Các golf thủ trở lại với thể thức đấu gậy trong 72 hố, tranh giải cá nhân có tổng trị giá 7 triệu đô-la trong 8 triệu đô-la toàn giải. Lần đầu tiên điểm từ giải này được tích lũy để tính cho vị trí trên bảng xếp hạng thế giới.
Matt Kuchar và Gary Woodland của Mỹ là bộ đôi vô địch năm 2011. |
Kỷ lục
Mỹ giữ kỷ lục với số lần vô địch: 23. Đứng thứ hai là Nam Phi với năm lần, Australia và Tây Ban Nha cùng được bốn lần, trong khi con số của Canada là ba. Tiếp theo là Anh, Đức, Ireland, Nhật Bản, Thụy Điển và xứ Wales với hai lần vô địch. Có bốn quốc gia từng một lần giành chiến thắng là Argentina, Đài Loan, Scotland và Italy.
Argentina, Australia, Anh và Mỹ cùng có số lần tham dự giải nhiều nhất là 53 lần. Tiếp theo là Đức (51) và Canada (50).
Mỹ cũng là nước tổ chức World Cup nhiều hơn bất cứ đâu, với 11 lần. Tổng cộng giải đấu đã diễn ra tại 25 nước khác nhau.
The Royal Melbourne Golf Club ở Australia là sân được trao cơ hội tổ chức nhiều nhất vào các năm 1959, 1972, 1988 và 2013.
Hai mươi chín golf thủ được vinh danh trong Ngôi nhà danh vọng của golf thế giới từng thi đấu ở World Cup. Họ là Isao Aoki (Nhật Bản), Seve Ballesteros (Tây Ban Nha), Julius Boros (Mỹ), Bob Charles (New Zealand), Ben Crenshaw (Mỹ), Jimmy Demaret (Mỹ), Roberto De Vicenzo (Argentina), Nick Faldo (Anh), Hubert Green (Mỹ), Ben Hogan (Mỹ), Hale Irwin (Mỹ), Jack Nicklaus (Mỹ), Tom Kite (Mỹ), Bernhard Langer (Đức), Bobby Locke (Nam Phi), Cary Middlecoff (Mỹ), Johnny Miller (Mỹ), Jack Nicklaus (Mỹ), Greg Norman (Australia), Christy O’Connor Sr. (Ireland), Jose Maria Olazabal, (Tây Ban Nha), Arnold Palmer (Mỹ), Gary Player (Nam Phi), Nick Price (Nam Phi), Chi Chi Rodriguez (Puerto Rico), Vijay Singh (Fiji), Sam Snead (Mỹ), Peter Thomson (Australia) and Lee Trevino (Mỹ).
Arnold Palmer (1960, 1962, 1963, 1964, 1966 và 1967) và Jack Nicklaus (1963, 1964, 1966, 1967, 1971 và 1973) cùng nhau giữ kỷ lục về số lần vô địch với tư cách cá nhân. Palmer và Nicklaus (1963, 1964, 1966 và 1967) cùng nhau bốn lần vô địch, ngang với thành tích được lập sau này của cặp Fred Couples và Davis Love III.
Ernie Els và Wayne Westner, đại diện cho Nam Phi năm 1996, khi được chơi trên sân nhà ở Erinvale Golf Club, đã lập kỷ lục về chiến thắng với cách biệt 18 gậy. Đỉnh cao cũ thuộc về Ben Hogan và Sam Snead năm 1956 với 14 gậy.
Jean Garaialde của Pháp là người tham dự World Cup nhiều nhất (25 lần). Ông thi đấu lần đầu năm 1954 và cuối cùng năm 1982. Thành tích tốt nhất của ông là vị trí thứ năm, khi đánh cùng Roger Cotton, năm 1962.
Flory van Donck (Bỉ) là người nhiều tuổi nhất từng thi đấu. Đó là năm 1979 khi ông đánh giải cuối cùng trong số 19 lần thi đấu World Cup của mình ở tuổi 67. Người trẻ nhất là Marko Vovk, năm 15 tuổi, đại diện cho Nam Tư cũ cũng năm 1979.