‘Golf là môn thể thao có xu thế thời đại’
Ông Thanh Dương hiện là Phó tổng giám đốc FLC Global, đơn vị đang sở hữu hai sân tập lớn ở Hà Nội và nhiều dự án golf lớn trong tương lai. Ảnh: HV. |
- Ông đánh giá thế nào về phong trào golf ở Việt Nam?
Việt Nam hội nhập quốc tế gần 30 năm và cùng với quá trình đó golf cũng được du nhập khoảng 20 năm trước. Nhưng chỉ vài năm gần đây môn thể thao này mới thực sự nở rộ. Tính đến nay đã có trên 20 sân golf đang hoạt động trên cả nước, và gấp đôi con số ấy đã được phê duyệt triển khai đến năm 2020. Số lượng người chơi cũng đã đạt đến con số hàng chục nghìn, với hàng chục đến cả trăm giải đấu lớn nhỏ, từ cấp quốc gia cho đến phong trào mỗi năm.
Các hãng dụng cụ lớn về golf cũng đã có mặt tại Việt Nam như Titlest và Footjoy, Puma Golf, TaylorMade, Adidas Golf... Như thế đủ thấy golf đang phát triển, rất giàu tiềm năng khai thác và ngày càng được chấp nhận tại Việt Nam. Đó là môn thể thao có xu thế thời đại.
- Nhiều người vẫn có “ác cảm” khi nhắc đến golf khi cho rằng việc phát triển sân đấu làm mất đất của nông dân, có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực… Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Có một nghiên cứu chỉ ra rằng các sân golf hầu hết đều gắn với các vùng, địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ. Đó cũng là các vùng đất cát hoặc đất trống đồi trọc, không có khả năng sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất lúa chiếm một lượng rất nhỏ, khoảng 1,5 đến 2% tổng diện tích đất dành cho các sân golf, trong đó hoàn toàn không có đất lúa hai vụ. Chính vì vậy quan ngại, theo tôi trên có phần cảm tính.
- Thế còn suy nghĩ cho rằng đó là môn thể thao của người giàu?
Đúng là để chơi được môn này bạn phải có tiền và thời gian. Tiền để mua dụng cụ, phí vào sân, di chuyển… Đây chính là lý do khiến golf chưa phát triển sâu rộng thực sự ở Việt Nam. Tuy nhiên nếu có sự hợp tác của nhiều ban ngành, golf hoàn toàn có thể đến với nhiều tầng lớp khác. Ví dụ như Thái Lan, để phát triển môn golf, họ có hẳn một chính sách tạm gọi là "bình dân hoá” môn thể thao này. Nếu làm được điều đó chúng ta có thể khuyến khích, tạo điều kiện để nhiều người yêu thích golf có thể tiếp cận được môn này.
- Theo ông, kinh doanh golf có khó khăn gì và phải chăng có nhiều vốn là có thể làm được?
Đã kinh doanh thì không thể nói là dễ dàng, ngay cả khi nhiều tiền. Đơn cử như chúng tôi với hai sân tập, trong đó FLC Golfnet 2 là sân lớn bậc nhất ở Hà Nội, nhưng để thu hút người chơi cũng phải rất trăn trở và liên tục đưa ra những chính sách quan trọng để phát triển hệ thống sân, nâng cao chất lượng dịch vụ bên cạnh việc giao lưu kết nối với các sân golf, tổ chức các giải đấu thường niên. Mới đây nhất, chúng tôi đã đứng ra tổ chức giải FLC Golf Invitational Tournament 2013 – Golf4Good được đánh giá cao trong cộng đồng với tính nhân văn và độ chuyên nghiệp tại sân Vân Trì.
- Ông nói đến tính nhân văn trong golf, cụ thể là như thế nào?
Nhiều người cho rằng đến sân golf để tiêu tiền. Nhưng trên thực tế, rất nhiều giải golf ở Việt Nam hiện nay được tổ chức nhằm quyên góp ủng hộ cho học sinh nghèo, cho những mảnh đời bất hạnh… Golf4Good vừa qua cũng hứa hẹn thu được một khoản tiền không nhỏ ủng hộ cho Quỹ từ thiện “Cơm có thịt” cho những trường học ở vùng cao.
Bên cạnh đó, golf cũng đóng một phần nào phát triển kinh tế. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hàng năm các sân golf đã nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 15.000 lao động. Đó là chưa kể các nguồn thu gián tiếp thông qua việc thu hút khách du lịch cũng như các dịch vụ khác... Tôi nghĩ, việc một con người hay một tổ chức biết đóng góp để giúp cho xã hội phát triển cũng chính là một thứ nhân văn đáng trân quý.