Những thí sinh đặc biệt của Bước nhảy hoàn vũ
Đặc biệt là bởi họ cũng vất vả tập luyện, có khi còn vất vả hơn cả các thí sinh ngôi sao, khi vừa phải làm thầy, vừa phải làm bạn với các ngôi sao trên sàn nhảy. Họ cũng phải thi thố, nhưng trên sân khấu mọi ánh mắt không dồn về phía họ, mà dồn cho các “đối tác”, mọi bình phẩm trên các diễn đàn xung quanh cuộc thi đang “hot” nhất trên truyền hình hiện nay, cũng chẳng buồn nhắc tới tên họ.
Nhưng nếu không có những thí sinh đặc biệt này thì cũng không thể có những “bước nhảy hoàn vũ” và tất nhiên cũng sẽ chẳng ai biết được “nặng ký” như Siu Black hay Minh Béo vẫn có thể “bay lượn” như ai hoặc một thần tượng trên phim truyền hình Việt, Lương Mạnh Hải, trước đó chưa từng biết nhảy. Đó là các vũ công chuyên nghiệp, bạn đồng hành với các ngôi sao trong từng đêm thi.
Gian nan đi tìm vũ công
Để có buổi ra mắt Bước nhảy hoàn vũ, ban tổ chức từng tiết lộ với TT&VH Cuối tuần những khó khăn, vất vả để mời được 8 thí sinh nổi tiếng (so với con số 20 thí sinh theo format gốc. Xin mở ngoặc nói thêm, giờ đây, khi sức nóng của chương trình đã lan tỏa, không ít ngôi sao mạnh miệng tuyên bố sẵn sàng nhập cuộc với Bước nhảy hoàn vũ năm sau, nhưng cũng chính vài ngôi sao trong số này trước đó từng từ chối lời mời tham gia của ban tổ chức). Thế nhưng, khó khăn không kém còn là việc mời các vũ công chuyên nghiệp, mà tất cả đều đến từ nước ngoài. Cách làm việc duy nhất với các nghệ sĩ này là qua email và điện thoại.
May mắn thay, theo format đã mua bản quyền, nhà tổ chức Việt Nam được phép chọn một “đối tác” trong số các nước đã từng tổ chức chương trình Dancing with the stars. Đài truyền hình Bulgaria đã từng tổ chức Dancing with the stars từ mấy năm nay, bởi vậy họ đang có một lực lượng vũ công rất hùng hậu. Nhà tổ chức Việt Nam gửi thư mời và được “nhà đài” của Bulgaria đề cử 9 người gồm: 8 vũ công và 1 biên đạo. Nhưng không phải vì có “bên Tây” lo mà mọi chuyện đã êm thấm. Theo ban tổ chức, cái khó là chương trình diễn ra trong thời gian khá dài – hơn 3 tháng; trước đó còn có nửa tháng tập luyện. Chính vì vậy, để mời được những vũ công sang Việt Nam trong một quá trình dài như vậy là điều không dễ dàng. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng phải cân đong đo đếm đủ mọi nhẽ để lựa chọn những người có chuyên môn ở tầm có thể dung hòa được với trình độ mới chỉ sơ khai của các ngôi sao Việt Nam. Chưa kể ban tổ chức cũng phải căn cứ vào chiều cao và cân nặng của các ngôi sao Việt Nam để mời những vũ công tương xứng. Nam vương Tiến Đoàn là người có thể hình khá “đặc biệt” so với 3 thí sinh nam còn lại của Việt Nam. Trong danh sách 4 vũ công nữ mà đài truyền hình Bulgaria gửi sang, không ai có ngoại hình phù hợp với Tiến Đoàn. Chính vì vậy, nhà tổ chức phải bay sang Mỹ để chọn. Kết quả của hành trình sang Mỹ là “chiêu mộ” được vũ công Paige Alexis Inman, cô đã tham gia trong lĩnh vực khiêu vũ Ballroom 9 năm và giành được khá nhiều giải thưởng trong đó có 7 lần đoạt ngôi vị quán quân bộ môn Standard.
Trong 9 vũ công nước ngoài, chưa một ai từng tới Việt Nam. Chính vì vậy, sự lo lắng ban đầu là hoàn toàn có cơ sở. Hơn nữa, cả 9 người đều đang có công việc của riêng mình: Lili Boyanova Velichkova hiện đang là vũ công vừa đi nhảy vừa đi dạy, Tihomir Romanov Gavrilov đang giảng dạy và trình diễn cho Học viện Khiêu vũ Sofia, Anna Nikolaeva Sidova đang là sinh viên năm thứ ba Học viện Mỹ thuật, cô vừa là vũ công vừa là họa sĩ… Việc thuyết phục các vũ công nước ngoài “gác” việc riêng để tham gia vào Bước nhảy hoàn vũ trong một thời gian khá dài là cả một quá trình cố gắng của cả hai “nhà đài” Bulgaria lẫn Việt Nam.
Chuyên nghiệp cũng ốm!
Theo dõi liên tục các liveshow Bước nhảy hoàn vũ, hẳn khán giả đều cảm thấy hài lòng trước những bước nhảy chuyên nghiệp và một thể hình đẹp mắt của các vũ công nước ngoài. Căn cứ vào tình hình thực tế thì có thể khẳng định ngay rằng, vai trò của những người đồng hành rất quan trọng. Bởi vì có một sự thật là các ngôi sao Việt Nam còn rất mơ hồ với khiêu vũ chuyên nghiệp, thậm chí, có người còn chưa hề biết nhảy. Chính vì vậy, lúc đầu, vai trò của những vũ công nước ngoài rất lớn, họ gần như là biên đạo của mỗi thí sinh để “uốn nắn” từng động tác, điệu nhảy, từng kỹ thuật rồi dẫn dắt thí sinh trong mỗi bài thi. Tuy nhiên, càng về sau, khi các ngôi sao đã am hiểu hơn thì những vũ công nước ngoài chỉ cần kết hợp với thí sinh để nghĩ ra và cùng thể hiện những ý tưởng cho bài thi của mình.
Khác với “bên ta”, chương trình của Bulgaria có sự tham gia của 20 cặp đôi, ở Mỹ là 11. Khi về Việt Nam, Bước nhảy hoàn vũ được “rút gọn” còn 8 cặp. Tuy nhiên, theo ban tổ chức, số lượng thí sinh tham dự chương trình không lệ thuộc vào bản gốc, tùy từng trường hợp và thời gian phát sóng của mỗi nước. Do lần đầu tổ chức, tất cả vẫn còn khá mới mẻ nên nhà tổ chức đề xuất phía Bulgaria viết riêng cho Việt Nam một format với 8 thí sinh tham dự (con số này chỉ là năm đầu tiên, theo tiết lộ của Ban tổ chức, sang năm, nếu tình hình khả quan thì số lượng thí sinh có thể sẽ được tăng lên).
Chính vì cả 9 người chưa ai từng tới Việt Nam nên vấn đề thời tiết rồi ăn ở, ngủ nghỉ là một chuyện lớn mà cả vũ công lẫn nhà tổ chức không thể không lưu tâm. Trường hợp của Paige Alexis Inman, mặc dù được bố mẹ sang tận nơi săn sóc nhưng vẫn bị cảm nặng do không hợp thời tiết và thức ăn. Được chuẩn bị chu đáo để có thể ứng phó trước mọi tình huống nên Paige Alexis Inman đã được nhà tổ chức Việt Nam kịp thời chạy chữa, tiêm chủng và thuốc thang trong điều kiện tốt nhất. Có thể thấy, các vũ công nước ngoài được nhà tổ chức chăm lo từ A – Z: có xe đưa rước; thay đổi tới 3 khách sạn theo yêu cầu của đoàn, hiện tại đoàn đang ở trong một khách sạn 3 sao, được chăm sóc theo chế độ riêng; có hai vũ công được ban tổ chức ứng trước cát-sê để mua laptop…
Bước nhảy hoàn vũ năm nay sẽ khép lại vào ngày 20/6 tới đây. Tính đến trước đêm vào tối Chủ nhật tuần này, 6/6, đã có 5 thí sinh phải dừng cuộc chơi. Điều đó đồng nghĩa với 5 vũ công cũng sẽ “lui vào hậu trường”. Những vũ công này liệu đã hoàn thành sứ mệnh của mình hay chưa? Không còn tiếp tục dẫn dắt thí sinh thi nữa, họ sẽ “về nước” hay ở lại cổ vũ cho các cặp đôi sau? Trả lời những thắc mắc này, ban tổ chức cho biết, họ vẫn sẽ ở lại tập luyện cùng các “đồng môn” của mình cho những tiết mục ở giữa chương trình và đến buổi cuối cùng, 8 cặp đôi sẽ cùng nhau “hội tụ” để trình diễn các điệu nhảy hay nhất của mình trong suốt quá trình tham gia thi đấu. Thù lao cho các vũ công được tính theo ngày trong thời gian 3 tháng, theo ban tổ chức, mức cát sê “có thể chấp nhận được”.
Tuy nhiên, không ít khán giả yêu thích chương trình Bước nhảy hoàn vũ không thích chấp nhận việc các thí sinh đặc biệt này lại được đối xử “đặc biệt” trên sàn thi đấu. Do không có phiên dịch nên mỗi lần ban giám khảo nhận xét bài thi và MC thao thao bất tuyệt thì các vũ công nước ngoài chỉ biết… đứng nhìn ngơ ngác. Tất nhiên trong format không qui định điều này, nhưng, cuộc thi “vui là chính” này lẽ ra không cần quá cứng nhắc theo format vậy, có lẽ sẽ vui hơn, thân thiện hơn chăng?